Ngược dòng thời gian, khi chị còn là một cô bé, thường được bố mở cho nghe những bài hát Bolero trong các đĩa cối… ca sĩ Lan Anh có cảm giác như thế nào?
– Thời đó, tôi đã rất thích hát và rất thích nghe nhạc. Được bố cho nghe nhạc bolero thì cũng thích nghe và cũng có ngấm nhưng thích hơn cả vẫn là nhạc trẻ. Tôi nhớ, ngày đó nghe bài nhiều nhất là “Hai sắc hoa ti-gôn” và đến bây giờ tôi vẫn ấn tượng với bài hát đó. Sau này nghe thêm nhiều bài do danh ca Chế Linh và Hương Lan hát nữa.
Tôi rất yêu giọng hát của danh ca Chế Linh nhưng chưa bao giờ được song ca với ông và cũng chưa bao giờ được hát chung sân khấu trong một chương trình nào đó. Tuy nhiên, đó là ca sĩ nam thuộc thế hệ đi trước có giọng hát khiến tôi yêu mến vô cùng. Giọng của ông có cái gì đó rất đàn ông, nhiều kỹ thuật mà cũng đầy cảm xúc. Đặc biệt là dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn hát live rất tốt, không mấy ai làm được như thế.
Nhiều người vẫn nói rằng, “đất sống” và khán giả của Bolero chủ yếu vẫn là ở miền trong. Ca sĩ Lan Anh đã ra được 4 đĩa nhạc Bolero và có muốn mang âm nhạc của mình chinh phục khán giả phương Nam?
– Như tôi đã nói, lúc đầu tôi làm đĩa nhạc Bolero là để dạo chơi. Sau thấy mọi người yêu thích thì cũng mong ước giọng hát của mình bay xa hơn. Đĩa nhạc Bolero của tôi hiện cũng đã được bán trong Nam rồi nhưng để làm một chương trình gì đó trong Nam thì tôi chưa nghĩ tới.
Nhất là giai đoạn này, dịch đang rất phức tạp và mọi thứ đều đang khó khăn nên tôi chưa nghĩ đến. Hơn nữa, khán giả phía Nam họ quen nghe Bolero theo cách khác nên để tiếp cận được họ cũng cần phải có thời gian. Khán giả phía Nam thích nghe Bolero có âm hưởng miền Tây và thích các thí sinh bước ra từ các cuộc thi về Bolero nhiều hơn.
Những người thân trong gia đình, đặc biệt là bố chị đã phản ứng như thế nào khi nghe con gái hát Bolero?
– Thực ra, mọi người trong gia đình luôn ủng hộ các sản phẩm âm nhạc của tôi. Mẹ tôi là ca sĩ không chuyên và thường hát nhạc đỏ nhưng nghe tôi hát Bolero cũng thích lắm. Cứ mỗi lần tôi bắt tay vào thu âm đĩa là bà toàn đòi tôi mở cho nghe các bản demo.
Tôi may mắn được thừa hưởng gen yêu nghệ thuật từ cả bố và mẹ. Mẹ tôi ngày xưa không được học hành bài bản về thanh nhạc nhưng rất yêu âm nhạc. Và tôi ít nhiều ảnh hưởng bởi tư duy âm nhạc tinh tế của bà.
Nhiều người bảo, nhìn bên ngoài, Lan Anh điềm đạm và hiền lành nhưng trong âm nhạc lại rất thích thử thách mình. Chị có nghĩ mình là một người nổi loạn ngầm trong âm nhạc?
– Mọi người bảo, bên ngoài tôi khá là dịu dàng, nhẹ nhàng và hơi điệu (cười). Mấy bạn học trò còn bảo: “Trong khoa Thanh nhạc, cô giáo là cô giáo xì tin nhất khoa”. Nhưng nói tôi nổi loạn ngầm trong âm nhạc cũng đúng. Tôi thích mạo hiểm và khai phá những cái mới. Tôi quan niệm rằng, nghệ sĩ là phải dấn thân, dám phá cách (theo hướng tích cực) và dám thử nghiệm. Có như thế mình mới chạm tay đến được những điều mới mẻ.
Vậy ở ngoài đời, chị có phải là một người vợ “nổi loạn”?
– Trong đời thường, tôi không phải người nổi loạn đâu. Tôi thuộc tuýp rất dễ thương cảm và động lòng trắc ẩn. Gặp người nào đó có hoàn cảnh éo le hoặc nghe câu chuyện nào đó lâm li một chút là tôi đã nổi lòng thương rồi.
Vì như thế cho nên tôi rất dễ bỏ qua cho bạn bè, người thân và đồng nghiệp. Có thể người ta làm cho mình nổi điên lên nhưng một lúc sau tôi đã tha thứ cho họ rồi và không giận ai được lâu hết.
Trong gia đình, vợ chồng thỉnh thoảng cũng có va chạm này kia nhưng vì tính thương người nên tôi bỏ qua rất nhanh. Đôi khi, tôi thấy mình dành tình thương cho mọi người nhiều hơn là quan tâm đến mình. Tôi chỉ đắm đuối với âm nhạc thôi còn những thứ khác, tôi chịu thiệt đi một chút cũng được.
Chị có phải là một người chu toàn trong vai trò làm mẹ, làm vợ?
– Trong vai trò làm mẹ, tôi chưa bao giờ để con thiếu thốn bất kỳ thứ gì. Từ học hành, chăm sóc sức khỏe đến việc ăn ngủ nghỉ. Tôi làm tất cả mọi thứ tốt nhất để con được phát triển toàn diện. Mặc dù, bình thường, công việc giảng dạy và biểu diễn cũng ngốn của tôi khá nhiều thời gian nhưng tôi vẫn dành khá nhiều thời gian cho con.
Với gia đình, mọi thứ tôi cố gắng làm đều được các thành viên ghi nhận và thấu hiểu. Tôi chưa bao giờ để bị mang tiếng là nghệ sĩ mà lơ là việc nhà. Có những lúc tôi đi diễn xa, vắng nhà dăm bảy ngày nhưng cũng có lúc tôi ở nhà cả chục ngày. Tôi nghĩ, thời gian tôi dành cho gia đình còn nhiều hơn các công chức văn phòng ngày làm việc 8 tiếng ở công sở ấy.
Là người rất dễ mủi lòng trước những cảnh đời hoặc câu chuyện thương cảm. Vậy đối diện với những câu chuyện trẻ em bị bạo hành gây chấn động vừa qua, chị cảm thấy thế nào?
– Thực sự là tôi sốc rất nặng. Tôi không nghĩ tại sao, đến thời đại này rồi mà vẫn còn những con người nhẫn tâm, máu lạnh như thế. Tôi cố gắng lí giải câu chuyện em bé 3 tuổi bị tình nhân của mẹ đóng 9 cái đinh vào đầu và cô bé 8 tuổi bị mẹ kế đánh cho tới chết theo hướng nhẹ nhàng hơn, đó là những người đó có vấn đề về thần kinh hoặc không bình thường.
Nhưng thực tế là kể cả có như thế tôi vẫn không hết đau lòng, xót xa và ám ảnh. Tôi ám ảnh tới mức không dám đọc và không dám xem những tin tức như thế nữa. Lướt Faebook mà thấy chữ nào nói đến vụ này tôi đều phải lướt qua thật nhanh. Lướt qua trong trạng thái trống ngực đập thình thịch.
Từ những vụ việc này, tôi thấy rằng, những đứa trẻ trong các gia đình đổ vỡ hôn nhân chịu quá nhiều thiệt thòi và luôn phải đối diện với nhưng nguy cơ bị bạo hành. Và bất kỳ sự việc nào xảy ra thì trách nhiệm thuộc về những người làm bố, làm mẹ đầu tiên. Bố mẹ vì quá ích kỷ, vì quá mải mê với hạnh phúc riêng mà đã quên mất trách nhiệm đối với những đứa con do mình dứt ruột đẻ ra.
Tôi nghĩ rằng, vợ chồng không hạnh phúc thì giải thoát cho nhau cũng là một cách. Nhưng bố mẹ vẫn phải tròn bổn phận và trách nhiệm với các con. Tôi thấy có nhiều bố mẹ, dù đã chia tay nhau nhưng vẫn chăm sóc con rất tốt.
Quan điểm của chị như thế nào về trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái sau khi ly hôn?
– Tôi nghĩ rằng, hạnh phúc có thể đến với bất kỳ ai ở nhiều thời điểm khác nhau trong cuộc sống. Nhưng trách nhiệm với con cái là cả đời. Mình có chia tay thì cũng không thể bỏ mặc con cái hoặc rũ bỏ hết trách nhiệm với con cái. Con cái là máu thịt, là tương lai và là sự tiếp nối của cha mẹ. Mình chăm sóc con cho thật tốt cũng là đang chăm sóc cho tương lai của mình vậy.
Tôi nghĩ rằng, càng là phụ nữ, càng không thể bỏ rơi con. Dù có cực khổ hoặc khó khăn tới mấy cũng không nên bỏ rơi con. Tôi đã chứng kiến có người phụ nữ bỏ con từ khi con mới được 1 tuổi, giờ con đã khôn nhưng mẹ cũng không hỏi thăm lấy con một câu, dù cùng sống trong một thành phố.
Cảm ơn ca sĩ Lan Anh đã chia sẻ thông tin.
Văn hóa – Giải trí | Cập Nhật Thông Tin 24h Nhanh Nhất
Nguồn: Sưu Tầm