Tôi là đứa con gốc quê bản. Mẹ sinh ra tôi tại bản Nậm Nhịp. Khi tôi chưa được tròn tuổi thì gia đình tôi chuyển ra sinh sống ngoài thị trấn. Mang danh ra thị trấn thế thôi, song nơi ở mới của gia đình tôi cũng vẫn là bản toàn người địa phương sinh sống. Bản có tên gọi là Khổng Tở.
Từ nhà tôi ra tới chợ phiên cũng không xa lắm, chỉ hơn cây số chút thôi. Xưa kia, chợ phiên miền núi họp vào ngày Sửu ngày Mùi, cứ sáu ngày một phiên. Trong mười hai con giáp, thì chỉ có Sửu (trâu) và Mùi (dê) là con vật có sừng. Vậy nên chợ phiên độc đáo của miền rừng còn được gọi là chợ Lùi hoặc chợ Sừng. Về sau này, thì lịch chợ phiên mới thay đổi họp cố định vào ngày Chủ nhật.
Tôi rất thích ăn món kẹo “cóc thàng” mà chợ phiên nào cũng có bán. Đó chính là thứ kẹo nha theo cách gọi của người miền xuôi. Còn người dân quê tôi thì gọi là “cóc thàng”. Tuy mọi người gọi thế nhưng mẹ tôi luôn gọi là “cóc cóc thàng”. Thêm một chữ “cóc” nghe rất vui tai. Tôi cũng quen miệng gọi như thế theo mẹ. Và thế rồi, lối nhỏ từ nhà tôi ra tới chợ phiên được chứng kiến cảnh thằng bé vừa đi vừa nhảy chân sáo vì sắp được ăn “cóc thàng”. Thế đấy, đứa trẻ nào mà chẳng ưa ăn kẹo ngọt.
Biết con trai thích ăn món kẹo màu nâu, dẻo mềm nên ra tới chợ phiên là mẹ lập tức dẫn tôi đến chỗ có bày bán để mua. Cả một khối “cóc thàng” được phủ bên ngoài lớp bột ngô rang bày trên mẹt lót lá chuối làm cho thằng bé thèm thuồng ứa nước miếng, khiến nó chẳng còn để ý gì đến chợ phiên đang đông người. Mẹt kẹo “cóc thàng” hấp dẫn thằng bé. Đôi mắt nó cứ hau háu nhìn vào đó chẳng dứt ra được.
Mẹ cất lời hỏi mua. Người bán nhoẻn miệng cười, cầm vào khối “cóc thàng”, kéo dài ra và cắt thành miếng nhỏ đưa cho khách. Mẹ trả tiền rồi đưa kẹo cho tôi. Tôi nhón ngay một miếng đưa vào miệng nhai. Kẹo “cóc thàng” dẻo và ngọt thanh, lại thơm thoảng mùi mật lẫn mùi ngô non. Tuy thèm thuồng nhưng tôi không ngấu nghiến mà chỉ nhai từ từ thôi, thậm chí còn ngậm kẹo ở trong miệng. Tôi sợ nhai mạnh thì miếng “cóc thàng” mau tan hết. Cho nên có khi hết cả buổi chợ phiên lẽo đẽo theo mẹ mà miếng “cóc thàng” tôi ngậm trong miệng vẫn còn.
Vào khoảng thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, kinh tế miền núi kham khó thiếu thốn đủ thứ, cửa hàng mậu dịch có bán sữa, đường thì cũng là mặt hàng phân phối. Vậy nên, đối với những đứa trẻ ở bản như chúng tôi thì kẹo “cóc thàng” đã là món ngon tuyệt đỉnh.
Mê kẹo “cóc thàng”, tưởng chẳng món gì ngon sánh bằng nên có lần tôi tò mò hỏi mẹ. “Mẹ ơi, kẹo “cóc thàng” có từ bao giờ gì nhỉ?”. Mẹ vui vẻ đáp: “Mẹ cũng chẳng biết nữa. Ngay từ khi mẹ còn nhỏ bằng con thì cũng đã thấy có kẹo “cóc thàng” rồi. Và mẹ cũng thích ăn kẹo “cóc thàng” như con đấy”. Tôi cười tít mắt, hồn nhiên nghĩ: Ừ, kẹo “cóc thàng” ngọt ngon như thế thì ai mà chẳng thích.
Nay, ở ngoài chợ, ngoài siêu thị có rất nhiều loại bánh kẹo ngon, cứ ngỡ sẽ chẳng còn ai đoái hoài tới món kẹo “cóc thàng” nữa. Nhưng không, tại nơi tôi đang ở, người dân hai bản Nậm Lỏng và San Thàng vẫn giữ nghề làm “cóc thàng” từ xưa truyền lại. Hạt ngô nương vẫn được ngâm ủ cho lên mộng, rồi lấy mộng đem xay thành bột nước, rồi nấu cô đặc thành món kẹo dẻo để sáng Chủ nhật hằng tuần lại bày bán tại chợ phiên San Thàng.
Kẹo “cóc thàng” bày bán tại chợ phiên, không chỉ riêng dân bản mua mà người phố cũng thích mua. Khách nước ngoài lên du lịch miền rừng Tây Bắc, khi ghé vào thăm chợ phiên cũng không muốn bỏ lỡ dịp thử món “cóc thàng” lạ mắt đối với họ. Nhìn họ nhấm nhai kẹo, rồi cười, rồi hồn nhiên giơ ngón cái hướng lên trời tỏ ý khen “năm bờ oăn” thì biết món kẹo “cóc thàng” cũng khá thú vị đấy chứ.
Và tôi, chẳng còn là đứa trẻ năm xưa nữa nhưng vẫn thường xuyên mua “cóc thàng” đem về nhà thưởng thức. Không phải chỉ để được nhấm nháp lại hương vị ngọt ngon thời tuổi nhỏ mà thực sự là tôi rất thích món kẹo được mẹ gọi vui là “cóc cóc thàng”.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
Văn hóa – Giải trí | Cập Nhật Thông Tin 24h Nhanh Nhất
Nguồn: Sưu Tầm