Những trái cọ to đã chín căng mọng, tím bầm, hẳn là quả của những cây cọ già, cao và nhiều lá. Theo kinh nghiệm của người dân quê tôi, những cây cọ để sâm lá nhiều năm, cọ già thì quả khi ỏm mới béo và thơm bùi.
Khi ỏm cọ, tôi chợt nhớ đến món ăn tuổi thơ ngày nào, món ăn mà cứ đến mùa cọ, mẹ tôi lại làm cho cả nhà thưởng thức. Đó là món xôi cọ.
Lâu lắm rồi, món xôi cọ ở làng quê trung du của tôi không ai chế biến và nhắc đến. Người già về với đất, mang theo công thức và dư vị của món ăn này rồi, người trẻ thì không biết làm nên khi nhắc đến xôi cọ thì nhiều người bảo chưa được ăn bao giờ và ít khi nghe thấy món này.
Nhắc đến món xôi cọ, những kí ức tuổi thơ tôi nơi vùng quê trung du yên ả lại ùa về cùng với ngọn gió heo may hòa vào cái hanh hao của nắng chiều.
Tôi nhớ khi còn thơ bé, đến mùa cọ, mấy chị em cùng bọn trẻ trong làng rủ nhau lên đồi cọ phía sau nhà để hái cọ về ỏm.
Rừng cọ quê tôi trập trùng, xanh ngút ngàn và rì rào trong kí ức tuổi thơ của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên nơi thôn quê.
Vào mùa cọ, những buồng cọ sai trĩu quả, chín bầm tím buông mình trên những ngọn cọ cao vút, tán lá sum suê.
Mấy đứa phải dùng chiếc thang chế bằng thân cây tre có nhiều cành, nhiều đứa đứng dưới giữ thang, một đứa trèo lên ngọn để chặt được cả buồng cọ.
Cọ hái về, mẹ ỏm trong nồi nước sôi lăn tăn chừng 15 phút là mềm. Khi ăn, cọ vừa béo, vừa bùi, cùi cọ mềm, vàng ruộm, ăn mãi không chán.
Mẹ tôi còn dùng quả cọ, xóc hết vỏ để muối chua ăn dần. Món này chỉ cần để vài ngày là hết vị chát, muối ngấm vào quả, chua dần, chấm với muối lạc, ăn với cơm thì khỏi bàn.
Những chiều đông giá lạnh, bên bếp lửa ấm áp, làn khói chờn vờn trên mái cọ, mẹ tôi chế biến món xôi cọ để ăn cho ấm bụng.
Chẳng biết mẹ học từ ai hay tự nghĩ ra công thức chế biến mà khi ăn, chúng tôi có cảm giác món xôi vừa quen thuộc, vừa dân dã, vừa lạ miệng.
Quả cọ hái về, xóc vỏ bớt vỏ tím bên ngoài rồi ỏm chín. Bóc lấy cùi rồi trộn đều với gạo nếp đã ngâm, cho lên xôi chừng 30 phút là xôi chín.
Khi xôi, mẹ không quên dùng đũa cái đảo cho cọ và hạt nếp quện vào nhau, nêm thêm chút muối hoặc đường cho xôi thêm đậm đà.
Xôi cọ nóng hổi khi bắc từ bếp xuống, mẹ đơm xôi ra chiếc rổ tre, ra lá dong xanh ngắt để gói lại thành từng gói cho xôi giữ được độ nóng.
Tôi vẫn quen với xôi gấc, xôi đỗ xanh, xôi lạc mẹ thường hay làm. Xôi cọ ít khi mẹ nấu bởi chỉ đến mùa cọ cuối năm mới có quả cọ để nấu xôi. Nhưng năm nào dù công việc đồng áng bận rộn mẹ vẫn không quên món ăn dân dã này.
Xôi cọ dẻo thơm bởi sự kết hợp của hương nếp và quả cọ. Màu vàng của quả cọ hòa vào màu trắng của hạt gạo làm cho món xôi thêm hấp dẫn.
Vị béo ngậy, bùi bùi của quả cọ, vị dẻo thơm của nếp làm cho món ăn để lại dư vị đậm đà, lạ miệng mà khó quên.
Thời gian trôi đi, hôm nay, trong chiều đông giá lạnh nơi quê nhà, khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi trở về nhà sớm hơn sau giờ làm việc, tôi chế biến món xôi cọ của mẹ ngày nào trong niềm rưng rưng nhớ về kí ức tuổi thơ.
Khi nhìn thấy món xôi cọ, nhiều người bảo món ăn lạ quá, chưa từng thấy và chưa được ăn bao giờ. Đúng thế, vì bao năm, bao tháng có ai chế biến món ăn dân dã này nữa đâu.
Chỉ có những đứa trẻ nơi vùng quê trung du Phú Thọ như tôi, nơi có một “gia tài” tuổi thơ dữ dội có chăng mới biết món xôi cọ của mẹ ngày nào.
Vị đằm ngọt, dẻo thơm của món xôi cọ gợi lên dư vị quê nhà, gợi niềm thương nhớ trung du!
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
Văn hóa – Giải trí | Cập Nhật Thông Tin 24h Nhanh Nhất
Nguồn: Sưu Tầm