Đại hội Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM được tổ chức trong bối cảnh thành phố vừa trải qua đại dịch Covid-19 với nhiều mất mát, đau thương. Đại hội đã dành một phút mặc niệm các văn nghệ sĩ đã ra đi vì dịch Covid-19, những người đã có đóng góp rất lớn cho sự phát triển VHNT của thành phố như nhà văn Vũ Hạnh, NSND Đàng Quang Dũng, NSND-họa sĩ Trương Hán Minh, NSƯT Quốc Trụ, NSƯT Kim Phượng, ca sĩ Phi Nhung…
Trong giai đoạn thành phố vừa thực hiện phòng chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế, VHNT thành phố đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn để phát triển hài hòa giữa sáng tạo nghệ thuật và phản ánh hiện thực khách quan; giữ gìn bản sắc dân tộc và hội nhập quốc tế; giữa tính nghệ thuật và yếu tố thị trường…
Nhận xét về vai trò của văn nghệ sĩ trong tình hình mới, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng Đại hội cần kiểm điểm, đánh giá sâu sắc việc thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tiếp tục cổ vũ, động viên, khích lệ văn nghệ sĩ sáng tác về đất nước, con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Đây là dịp để tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của văn học, nghệ thuật trong việc xây dựng nền tảng đạo đức, văn hoá, tinh thần của xã hội và vai trò, trách nhiệm hội, nghĩa vụ công dân của đội ngũ văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tại đại hội, NSƯT Trịnh Kim Chi – Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, đã nêu quan ngại về hoạt động sân khấu xã hội hóa trước những khó khăn của dịch bệnh. Hơn 2 năm sàn diễn không sáng đèn, nghệ sĩ, công nhân sân khấu xã hội hóa không có đồng lương để sinh sống, nhưng lửa nghề vẫn hừng hực. Bằng chứng sắp tới tại TP HCM sẽ đăng cai Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc đợt 2, có 15 đơn vị sân khấu xã hội hóa tham gia với hơn 20 vở diễn.
“Nghệ sĩ TP.HCM mong nhận được sự hỗ trợ của TP để các sân khấu xã hội hóa có sự đầu tư của nhà nước và được quảng bá những tác phẩm đến công chúng, lan tỏa tích cực trong cộng đồng. Kiểm soát chặt chẽ các chương trình biểu diễn trên các nền tảng mạng xã hội, trả lại cho không gian văn hóa mạng sự trong sạch” – NSƯT Trịnh Kim Chi nói.
Đại hội đã giới thiệu Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM nhiệm kỳ IX (2021 – 2025), gồm 25 người.
Ban chấp hành nhiệm kỳ IX đã họp phiên đầu tiên, hiệp thương cử ra Đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM và các chức danh lãnh đạo gồm: Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu trở thành Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM nhiệm kỳ IX; hai Phó chủ tịch là nhà thơ Lê Tú Lệ và nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy (Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM).
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu sinh năm 1955, là con trai của nhà thơ Bảo Định Giang (1919-2005). Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM năm 1980. Một số công trình tiêu biểu của kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu có thể kể đến Kho bạc Nhà nước, Đài truyền hình TP.HCM, Nhà thiếu nhi Quận 2, Hoàng Ngọc Resort…
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội Kiến trúc TP.HCM hai khóa liên tục gần đây, nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025.
Văn hóa – Giải trí | Cập Nhật Thông Tin 24h Nhanh Nhất
Nguồn: Sưu Tầm