Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Cổ vũ cái mới, tôn trọng sự khác biệt”

Chấn hưng không phải là làm khác đi, mà làm sang hơn, phát triển hơn

Chiều 24/11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã bế mạc sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có bài phát biểu kết luận tại Hội nghị, nêu bật những thành tựu, cũng như các vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực văn hóa.

Mở đầu bài phát biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Đây là hội nghị Văn hóa mà không chỉ những người làm công tác quản lý về văn hóa, văn nghệ sĩ mà đông đảo cán bộ đảng viên, nhân dân đều trông đợi. Đây là dịp nhìn nhận lại vai trò của văn hoá, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những gì chúng ta đã đạt được trong những năm vừa qua. Đặc biệt là nhìn thẳng vào những bất cập, thiếu sót để chúng ta thống nhất nhận thức quan điểm, hành động, nhằm chấn hưng văn hóa như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh. Chấn hưng không phải làm khác đi, mà là làm sáng hơn, phát triển hơn.  

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Cần tạo ra môi trường để cổ vũ cái mới, tôn trọng sự khác biệt” - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị. (Ảnh: Phạm Hưng).

Chúng ta đều mong mỏi sau hội nghị này, không chỉ những người làm văn hóa mà  tất cả những người dân Việt Nam, dù làm gì, ở đâu, dân tộc nào, tín ngưỡng tôn giáo ra sao, ở trong nước hay nước ngoài đều được truyền cảm hứng, trách nhiệm và niềm tin để văn hóa nước nhà phát triển rực rỡ hơn, đất nước ta phát triển bền vững hơn”.

Phó Thủ tướng cũng đưa ra một số vấn đề về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII trong quá trình triển khai thực tiễn:

“Thứ nhất, chúng ta vẫn phải tiếp tục nhận thức về văn hóa. Suy cho cùng, “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Từ xưa, chúng ta đều nói với nhau điều này nhưng ít khi nói tới cùng ý nghĩa của nó. Chúng ta hay nói “dân là gốc”, “dân vi bản, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”…, nhưng gần như chỉ nghĩ theo nghĩa trực diện là coi trọng nhân dân. Thực ra, các câu nói này còn bao gồm ý nghĩa như Tổng Bí thư đã nói: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Văn hóa không như một cây cầu!

Chúng ta thường nói đã quán triệt đầy đủ tinh thần Nghị quyết, đầy đủ các chủ trương, chỉ thị, văn bản của Đảng và Nhà nước, nhưng khâu thực hiện còn yếu kém, nguồn lực còn chưa đủ.

Thực ra, nhận thức đó có phần đúng, nhưng phần nhiều cũng là sự tự bào chữa cho việc chúng ta chưa nhận thức triệt để. Bởi khi ta nhận thức được tầm quan trọng của một vấn đề mang tính sống còn đối với đất nước, với dân tộc, hay với bản thân, với người thân của mình, chắc chắn chúng ta sẽ tìm mọi cách, dùng thời gian, tiền bạc, công sức… để thực hiện cho đủ. Khi chúng ta cứ lặp đi lặp lại rằng quán triệt đầy đủ nhưng khâu thực hiện còn yếu thì phải xem lại về nhận thức. Theo tôi, điều này vô cùng quan trọng.

Qua mấy nhiệm kỳ công tác, khi gặp những người làm văn hóa, tôi đều lắng nghe và được họ khái quát những điểm khó như thế này:

Cái khó thứ nhất là tất cả đều chịu sức ép về tăng trưởng. Văn hóa và xã hội trước mắt không làm ra tiền mà chỉ tiêu tiền, nên dường như bị lép vế, không được đặt ngang với kinh tế.

Thứ hai, văn hóa và xã hội bao gồm nhiều vấn đề, không như một cây cầu, đoạn đường cao tốc hay tòa nhà cao ốc, sau 5 năm hay một nhiệm kỳ là thấy luôn thành quả của một cá nhân hay tập thể lãnh đạo, có những việc rất nhỏ nhưng nhiều năm, nhiều chục năm mới có kết quả. Ngược lại, cũng có những vấn đề về kinh tế, kỹ thuật, nếu quyết định sai thì thấy ngay hậu quả, cá nhân/tập thể lãnh đạo đó phải chịu ngay trách nhiệm nhưng nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội dù chưa chú ý, chưa làm tròn trách nhiệm thì nhiều nhiệm kỳ sau mới bộc lộ ra. Bởi vậy tâm lý của không ít người là “cứ từ từ”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Cần tạo ra môi trường để cổ vũ cái mới, tôn trọng sự khác biệt” - Ảnh 2.

“Làm sao để mọi người dân cùng thấy thôi thúc để chấn hưng văn hóa”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Phạm Hưng).

Cái thứ ba, là không như các ngành kinh tế kỹ thuật đòi hỏi phải có chuyên sâu mới nói được, nhiều lĩnh vực văn hóa, giáo dục, dường như ai cũng cảm thấy mình hiểu biết. Khi được trao một cương vị phụ trách dù to, dù nhỏ, họ đều không ý thức được rằng mỗi chuyên ngành đều cần những chuyên gia, những người hoạt động thực tiễn, có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực đó.

Vì thế, rất nhiều khi ý kiến của các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn, người có kinh nghiệm lâu lăm không được tôn trọng. Dần dần, những chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn bị mai một, dẫn đến sự hụt hẫng.

Sự không chú ý đúng mực về văn hóa thể hiện ở thời lượng, thời gian lãnh đạo dành cho công tác về văn hóa, thể hiện ở nguồn lực bố trí cho văn hóa, thể hiện sự phân bổ cán bộ thiện chiến cho lĩnh vực văn hóa xã hội. Không phải vô lý khi các tổ chức quốc tế gần đây nói về phát triển đều đặc biệt nhấn mạnh về việc phát triển bền vững theo khái niệm mới. Trước đây, vấn đề phát triển bền vững chủ yếu nói tới không hi sinh môi trường, công bằng xã hội, hiện tại, phát triển bền vững bao hàm cả môi trường, cả văn hóa xã hội. Nếu một đất nước chỉ tập trung vào kinh tế không chú ý tới môi trường thì phải mất vài chục năm để khắc phục hậu quả. Nhưng xa hơn, nếu chỉ chú ý tới môi trường mà không chú ý tới văn hóa xã hội thì nhiều thế hệ không khăc phục lại được, thậm chí còn sụp đổ”.

Trời có 4 mùa, đất có 4 phương, người có 4 đức

Với trăn trở “làm sao có những giải pháp thiết thực để chấn hưng văn hóa”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra 3 luận điểm mang tính gợi mở:

“Thứ nhất, như Văn kiện Đại hội Đảng đã nói, chúng ta làm sao khơi dậy khát vọng trong toàn nhân dân. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, ta nêu ra luận điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 khẳng định “xây dựng nền văn hóa kháng chiến – kiến quốc”, vậy hội nghị lần thứ 3 này mục tiêu là gì?. Như Tổng Bí thư đã phát biểu rất tâm huyết, các đại biểu trong đại hội đã thảo luận, đó là làm sao chúng ta phải khơi dậy khát vọng trong toàn Đảng, toàn dân. Phải chống giặc Covid-19, giặc nghèo, giặc tụt hậu. Làm sao để tất cả người Việt Nam phải có tinh thần như ngày còn “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.  

Cần phát huy sáng tạo, sức mạnh của toàn dân để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Làm sao để mọi người dân cùng thấy thôi thúc để chấn hưng văn hóa.

Vấn đề thứ 2, chúng ta đang nằm trong kỷ nguyên khoa học công nghệ. Chúng ta đã hội nhập, trên một tinh thần cầu thị. Vấn đề hội nhập, tiếp thu những văn minh của nhân loại mà không mất gốc là vô cùng quan trọng. Nhưng có một điểm chúng ta phải lưu ý đó là: Một mặt chúng ta chống lai-căng, một mặt là với những lề thói không còn phù hợp, cần cầu thị và mạnh dạn thay đổi.

Điểm thứ 3, chúng ta nói rất nhiều tới tạo môi trường, nhưng đó không chỉ là một trường với văn nghệ sĩ, mà với toàn dân, toàn xã hội. Đó là môi trường cổ vũ cho sáng tạo. Văn hóa là mọi sự sáng tạo, phát minh. Chúng ta phải làm sao tạo ra một môi trường cổ vũ cái mới, tôn trọng các ý kiến khác, thậm chí là khác biệt, miễn là không đi lại lợi ích của dân tộc, đất nước.

Một khi chúng ta tạo được môi trường để tất cả mọi tài năng của con người, dù văn nghệ sĩ hay người nông dân đều có thể phát huy, tôn vinh cái mới, chắc chắn ta sẽ đi được nhanh hơn.

Về việc xây dựng con người, tôi xin nêu 2 ý:

Đã nói tới văn hóa là nói tới con người, đã nói tới con người phải nói tới giáo dục. Chúng ta đã và đang thực hiện đổi mới giáo dục, chúng ta phải cùng ngành giáo dục thực hiện bằng được đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trên một tinh thần rất cầu thị và kiên trì.

Thứ 2 là văn hóa làm gương mà Tổng Bí thư sáng nay đã nói, và nhiều tham luận đã nhắc tới. Ngày trước, Bác Hồ dạy về “cần – kiệm – liêm – chính”, ban đầu tôi đã nghĩ đây là lời dạy cho Đảng viên, nhưng không phải, Người dạy “cần – kiệm – liêm – chính” cho tất cả mọi người. Trời có 4 mùa “xuân – hạ – thu – đông”, đất có 4 phương “Đông – Tây  – Nam – Bắc”, người có 4 đức “cần – kiệm – liêm chính”. Ngoài việc phải làm gương từ trên xuống, với các cán bộ làm văn hóa phải từ trong ra. Không ai toàn diện hết được, nhưng những cán bộ văn hóa phải cố gắng trở thành tấm gương về văn hóa”.

Kết thúc bài phát biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Tôi rất mong muốn tất cả các cấp, các ngành hãy bằng những hành động cụ thể để chú trọng hơn tới Văn hóa. Đó là, dành cho văn hóa nhiều thời gian, nguồn lực hơn, lắng nghe ý kiến của những người nghiên cứu về văn hóa, hoạt động về văn hóa có kinh nghiệm, trước khi đưa ra những quyết định của mình, dù quyết định đó không liên quan trực tiếp với văn hóa, bởi văn hóa nằm trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Cuối cùng tôi rất mong chúng ta lan tỏa giá trị tinh thần dân tộc, đề cao giá trị truyền thống. Chúng ta khiêm tốn nhưng cần bồi dưỡng thêm tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, niềm tin vào sự phát triển bền vững và trường tồn của đất nước”.

Văn hóa – Giải trí | Cập Nhật Thông Tin 24h Nhanh Nhất
Nguồn: Sưu Tầm

Tin tức liên quan

Xúc động vì NSND Lê Khanh nhắc đến cố NSND Hoàng Dũng khi nhận giải tại Liên hoan Phim Việt Nam

Xúc động vì NSND Lê Khanh nhắc đến cố NSND Hoàng Dũng khi nhận giải tại Liên hoan Phim Việt Nam

Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 22 đã chính thức khép lại với lễ bế mạc diễn ra tại TP.Huế vào tối 20/11 vừa qua. Tại sự kiện này, giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc được trao … Readmore

Đọc tiếp

Xúc động ảnh nghệ sĩ Việt đội nắng, “tiếp lửa” cho TP.HCM chống dịch: MC Quyền Linh, Thái Thùy Linh…

Xúc động ảnh nghệ sĩ Việt đội nắng, “tiếp lửa” cho TP.HCM chống dịch: MC Quyền Linh, Thái Thùy Linh…

MC Quyền Linh ngồi giữa sân ăn vội xuất cơm từ thiện Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, MC Quyền Linh và nhiều nghệ sĩ Việt đã chung tay giúp đỡ những người dân ở TP.HCM có … Readmore

Đọc tiếp

Xót xa ca sĩ Việt Quang qua đời ở tuổi 44: Đời nhiều thăng trầm của một ngôi sao nhưng vắn số

Xót xa ca sĩ Việt Quang qua đời ở tuổi 44: Đời nhiều thăng trầm của một ngôi sao nhưng vắn số

Danh hài Thúy Nga: “Việt Quang – ngôi sao nhưng vắn số” Trong ký ức của danh hài Thúy Nga, ca sĩ Việt Quang là người hiền lành, trầm tính và sở hữu giọng hát rất hay. Chia sẻ với … Readmore

Đọc tiếp