Thấm thoát những ngày thân thương đó đã trôi qua hơn chục năm. Nhưng mỗi sáng đi làm qua mái trường Trung học Phổ thông Thường Tín (thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín, Hà Nội), nơi tôi đã gửi trọn tuổi thanh xuân, tôi vẫn ngỡ như mình là một cậu học sinh phổ thông. Bởi vẫn còn đó mái trường vôi vàng rêu phong, còn đó hàng ghế đá kỷ niệm, hàng cây phượng vĩ rực cháy mỗi khi hè về. Đặc biệt là ký ức về thầy cô, bạn bè vẫn ẩn hiện trên sân trường, biết bao mộng mơ đẹp vẫn còn nằm yên chưa tỉnh giấc.
Nhưng sáng nay thật lạ, trời vẫn lạnh và lòng người bỗng xôn xao. Sân trường tôi xuất hiện những chiếc cần cẩu chặt cây, những máy lu, máy ủi và những người kỹ sư chuẩn bị phá dỡ ngôi trường này để phục vụ cho mục đích khác.
Tôi đứng lại và nhìn thẳng vào sân trường, nơi để rùa đá cõng bia lịch sử, đây chính là biểu tượng truyền thống hiếu học của ngôi trường Phủ Thường Tín ngày xưa. Vậy là, ngôi trường hơn trăm tuổi này (xây dựng năm 1918) cùng với ăm ắp kỷ niệm của biết bao thế hệ học sinh chuẩn bị được di dời đi nơi khác. Nhìn những cành cây từ từ hạ xuống trong tiếng cưa máy mà trong lòng tôi thấy rưng rưng lạ thường như từng mảng kỷ niệm rời rạc, rụng xuống.
Tôi nhớ ngày đầu tiên đặt chân vào trường năm 2007, tôi tự hào khi là số ít học sinh trong làng thi đỗ vào ngôi trường phổ thông danh giá nhất huyện. Áo trắng sơ-vin, quần âu, dép quai hậu, những khuôn mặt ngây thơ ngồi thẳng tắp trong lớp học. Vẫn bảng đen phấn trắng, bàn gỗ dài, khăn trải bàn lọ hoa và đặc biệt là bóng đèn sợi đốt ấm áp, khung cảnh đó không sao tôi quên được.
Thầy cô giáo trong bộ đồ giản dị, nghiêm cẩn giảng bài, đi vòng quanh lớp xem vở từng học sinh, chẳng điện thoại, máy tính, chẳng sóng wifi hay 4G, bạn nào bạn ấy tập trung ghe giảng và nắn nót từng con chữ, tuổi hồng thật thơ ngây. Tôi nhớ thầy Ngọc dạy Sinh học rất hiền lành và hài hước, thầy Thông dạy thể dục nhưng lại… hơi béo, cô Sử nhưng lại dạy môn Địa lý.
Giờ ra chơi, tôi cùng mấy đứa bạn Tú, bạn Thách, bạn Năm… thường xuống sân trường chơi ô con giun, ô ăn quan, đá cầu. Mấy bạn gái thường ngồi tâm sự ở ghế đá hoặc nhặt những cành cây, cành hoa rụng xuống tết thành hình vòng nguyệt quế, trái tim.
Lúc đang chơi vui nhất thì tiếng trống “tùng, tùng, tùng!” vào lớp vang lên, chúng tôi lại giữ nguyên “thế trận” để giờ ra chơi sau chơi tiếp, niềm vui sảng khoái, cơ thể vận động làm nền cho một giờ học tiếp theo hiệu quả. Được cái sân trường tôi rất rộng, lớp nào cũng có chỗ chơi, còn chơi đuổi nhau thì chạy cả mấy vòng trường cũng chưa đuổi được.
Vào lớp. Không gian sân trường im phăng phắc lại dành riêng cho lũ ve, nhiều khi chúng tôi trách lũ ve kêu không biết mỏi mồm, làm mất trật tự cả trường, còn giờ tôi chỉ mong được nghe tiếng ve kêu bất cứ lúc nào. Bởi, tôi nghĩ tiếng ve sẽ đánh thức nhiều kỷ niệm đẹp nhất của mỗi con người.
Tôi rất thèm cái cảm giác làm học sinh đi xe đạp đến trường, từng vòng quay cứ đều đặn, bạn bè í ới nhau đi học. Sáng sáng, cứ đúng 7 giờ là Tú lại đạp xe lên nhà tôi làm xong ván cờ tướng rồi cùng nhau đi học. Mỗi khi tan học, chúng tôi thi nhau chạy ra nhà để xe xem ai lấy được xe trước, bởi lối vào nhà để xe rất hẹp.
Giữa trưa nắng gắt ngày hè, nhúc nhích từng vòng xe đạp nhưng được đứng cạnh người mình thích thầm thì chỉ muốn đường tắc càng lâu, ngửi mùi thơm tóc bạn càng sâu. Tôi còn nhớ bác Lộc bảo vệ là người rất nghiêm khắc, để xe không ngay ngắn là bị bác véo tai liền, tội trèo tường còn nặng hơn. Giờ bác đã nghỉ hưu và là hàng xóm thân thiết của nhà tôi, tôi và bác vẫn thường kể chuyện về những ngày tháng đi học năm nào.
Tôi chậm rãi đi một vòng quanh ngôi trường xưa và biết rằng đây sẽ là lần cuối cùng được ngắm nhìn nó trực tiếp. Bao sự đổi thay quanh ngôi trường, nhưng qua hơn trăm năm ngôi trường vẫn còn nguyên hình hài, đến ngày mai thôi có lẽ chỉ còn thấy trên những bức hình kỷ niệm.
Ngày 20/11 đến gần, những thầy cô giáo của tôi nay chắc giờ tóc đã ngả màu mây, có người đã nghỉ hưu, có người còn đi dạy những năm cuối sự nghiệp. Bao lớp học trò đi qua là bấy nhiêu lần tình cảm thầy trò trao nhau, chắc chắn rằng thầy cô tôi cũng sẽ nhớ mái trường này rất nhiều. Nhìn về phía cánh đồng làng Yên Phú, tôi thấy một ngôi trường THPT Thường Tín khác đang mọc lên thay thế ngôi trường xưa như bao sự thay thế, đan xen giữa hiện tại và quá khứ.
Tuy nhiên, chỉ có những hình ảnh, kỷ niệm đẹp đẽ nhất về mái trường, thầy cô, bạn bè vẫn nằm trong tâm trí tôi không bao giờ bị mờ phai. Tôi hy vọng rằng, ngôi trường mới này sẽ tiếp tục sứ mệnh của ngôi trường cũ, nuôi dưỡng tâm hồn của những học sinh đang tuổi thần tiên như tôi ngày nào.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
Văn hóa – Giải trí | Cập Nhật Thông Tin 24h Nhanh Nhất
Nguồn: Sưu Tầm