Đất đai, thổ nhưỡng cả làng chỉ gom lại và đổ ra con suối nhỏ, qua cái thác nhỏ gọi là Trôn Lãi. Trôn Lãi là nơi giao nhau giữa đồng ruộng và con suối, mùa lũ lụt khi có con nước mới, Trôn Lãi là nơi những con cá dưới suối nhảy lên để đến các đồng ruộng để đẻ trứng. Đến giữa thu, khoảng tháng Bảy, tháng Tám; những cơn mưa dầm dai dẳng ướt sũng con đường quê; làm cho đồng bãi lênh láng; con suối dềnh lên con nước đục ngầu bèo bọt, báo hiệu một mùa bão gió, lụt lội trên quê tôi.
Bao đời nay vẫn thế nên người dân quê tôi đã quen và họ luôn có sự chuẩn bị chu đáo để đối phó. Cái được của mùa lụt là khi nước tràn lên đồng làm chết chuột bọ, côn trùng, những thứ gây hại cho mùa màng. Lụt còn đem phù sa bồi đắp cho cánh đồng thêm tươi tốt quanh năm. Mỗi mùa lụt về, người dân quê tôi còn có việc đi bắt cá nước lụt, bằng cách kéo chạp, kéo vó…
Ở làng quê, đồng rộng, biền bãi mênh mông thì ai từng sinh ra lớn lên trên miền quê này mà chẳng một lần biết đi bắt cá mùa nước lụt. Nhớ cái hồi ở cái tuổi mười hai, mười ba; tôi và lũ bạn hàng xóm chủ yếu chạy theo người lớn mỗi lần đi bắt cá nước lên. Thuở ấy, nhà nào trong làng cũng có đủ thứ ngư cụ tự làm lấy, như: cái chạp, cái vó, cái lờ, cái hứng… các loại để bắt cá nhảy lên.
Cha tôi là một thợ tre, rất lành nghề trong việc sắm các loại dụng cụ để bắt cá, lành nghề nên trong nhà chẳng thiếu thứ gì nào nơm, đuộc, lờ, trủ, vó, rúc… Cha tôi là người say mê thú bắt cá đồng, nên ngay từ những ngày trời chuyển mùa là cha đã kiểm tra các loại ngư cụ chuẩn bị cho việc bắt cá.
Nhớ những năm, khi mùa mưa đến. Bắt đầu những cơn mưa như cầm vòi mà đổ, nhất là ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, hay chuẩn bị có bão. Mưa suốt ba bốn ngày không ngớt. Nước cả trên cách đồng xóm trên đều đổ về con rạch xóm tôi, sau đó gom nước đổ về Trôn Lãi và chảy xuống dưới suối. Trời mưa càng lớn, càng dai dẳng, ngập trắng đồng… Nước quanh làng.
Khi nước lụt bắt đầu cắt ngang lối ra thác Trôn Lãi thì cũng là lúc cả làng tôi nhộn nhịp hẳn lên, ở mỗi nhà, người gọi nhau í ới… Các ông thì chạp, vó… chạy đến Trôn Lãi để “đứng cất cá”. Có người cất lên gặp những chú cá gáy to đùng, vùng vẫy, chỉ có lấy giỏ bội mà hứng, mà bắt. Những khi ấy, tôi và lũ chúng bạn trong xóm cũng lăng xăng theo người lớn, xâu lờ trên tay, có đứa thì vài ba cái đuộc, chạy đi tìm các ngõ nước vừa ý ở ngoài đồng để đặt lờ đơm cá. Cả làng như ngày hội. Việc ai nấy làm, mưa gió nhưng vui hết chỗ nói.
Những năm mưa lụt lớn, làng tôi như một ốc đảo giữa biển nước mênh mông. Xung quanh rìa làng toàn nước lụt bao quanh, nhà nào cũng đi bắt cá, bắt dế. Người thì đem cái chạp, cái vó ra dọc bờ suối chảy xuống Trôn Lãi để đứng và cất cá trôi. Người lớn đứng cất cá, trẻ con chạy lăng xăng đặt lờ, đặt đuộc cá nước lên trong các khu ruộng rộc.
Cá ức nước bơi hàng bầy, dỡ mỗi chiếc lờ lên, nào cá diếc, cá rô, cá trê… long lóc, nặng trịch; dỡ mỗi chiếc đuộc lên thì đầy cá nhét, lươn chui vào, kêu ché ché nghe sướng tai. Tiếng la hét dậy vui cả một góc làng mỗi khi chiếc vó, chiếc trủ ai đó vừa vào được một con cá lớn.
Tuổi thơ đi qua những mùa cá nước lụt mà giờ đã hóa thành nỗi nhớ. Mỗi năm có bao nhiêu trận lụt là có bấy nhiêu lần chạp, vó, lưới, câu, đuộc, lờ… xênh xang đồng bãi. Đã mấy chục năm rồi, màu tóc lấm tấm sương chiều, nhưng những ký ức về bao mùa cá nước lụt ở quê tôi, nơi nắng bụi, mưa bùn, đầy gian khó ngày ấy vẫn cứ âm thầm trong dòng chảy kỷ niệm êm đềm như chuyện mới hôm qua…
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
Văn hóa – Giải trí | Cập Nhật Thông Tin 24h Nhanh Nhất
Nguồn: Sưu Tầm